Từ năm 2010, Sơn và 5 người bạn đã bắt đầu tập kinh doanh khi gom góp được 2 triệu đồng mua hơn 20kg chả cá Nha Trang ở quê lên Sài Gòn bán. Tiếp thị không thành công, chàng sinh viên hóa dầu trường Đại học Công nghiệp TP HCM đành đem phân phát cho bạn bè, phần còn lại nấu thành nồi lẩu lớn chỉ có độc chả cá.
Không từ bỏ giấc mơ bán đặc sản quê hương, Sơn tiếp tục huy động vốn mở quán kinh doanh đặc sản Nha Trang, nhưng tồn tại chưa đầy một tháng, quán phải đóng cửa. Dự án kinh doanh đổ bể này khiến Sơn phải bán xe máy, laptop và các thiết bị, vật dụng của quán để trả nợ.
Dù thất bại, nhưng Sơn không thôi nghĩ đến việc kinh doanh chả cá, nhất là khi trên thị trường vẫn còn nhiều loại chả không ngon, pha nhiều bột. Từ đây, chàng sinh viên bắt đầu nghĩ đến việc làm thương hiệu cho chả cá và mở rộng thị trường.
Gom góp được 350.000 đồng, tháng 8/2012, Sơn lại tiếp tục lấy vài kg chả cá để bán. Với chiếc bếp gas mini và cái chảo, Sơn bán chả cá chiên ngay trên vỉa hè đường Phan Văn Trị, quận Gò Vấp. Với cách làm này, có ngày Sơn bán được cả chục kg.
Chuyện làm ăn cứ thế phát đạt dần, chỉ sau thời gian ngắn, doanh thu của Sơn đã đạt mức 15 triệu đồng mỗi tháng và tăng gấp đôi ở tháng tiếp theo. Quyết tâm làm lớn, Sơn liên tục mở thêm đại lý phân phối, bán ra trung bình hơn 3 tấn chả cá mỗi tháng. Tháng 12/2012, anh vay thêm 150 triệu đồng cộng với số vốn tích lũy để mở xưởng sản xuất chả cá tại quê.
Không may, bước vào mùa lạnh, lô chả cá của chàng sinh viên trẻ gặp vấn đề khi thịt cá mấu dùng để chế biến chả cá có mỡ làm cho miếng chả khi hấp không dai, khi chiên lên thì bở. Hơn 3 tấn chả cá kém chất lượng không bán được, Sơn phải bán rẻ cho những người nuôi heo với mức giá 1.500 đồng một kg.
Hơn 300 triệu mất trắng, một nửa đại lý bỏ hợp tác, rồi nợ lương công nhân, uy tín của Sơn bị ảnh hưởng nặng nề.
“Suốt 3 tháng trời tôi không tìm ra được phương án để giải quyết, người ta sợ mình giựt nợ, nên mọi nguồn thu đều bế tắc. Tôi gỡ bỏ nút thắt khó khăn này bằng cách gặp chủ nợ thương lượng để họ giãn nợ và chấp nhận phương án trả góp, dùng hàng để đổi hàng. Tôi tập trung vào những đại lý còn lại để tăng khoảng 10% doanh số. Xưởng chỉ sản xuất vừa đủ để bán, không lấy thêm hàng”, chàng trai sinh năm 1990 kể.
Phương án này được lặp đi lặp lại gần hai năm, đến giữa năm 2014 công việc bắt đầu mới ổn định dần, Sơn đưa cha mẹ vào thành phố và mở Minh Sơn quán để ổn định thu nhập cho gia đình. Mỗi ngày quán cũng được hơn 300 khách ghé ăn.
Công việc bán chả cá dần đi vào quỹ đạo, tháng 6/2014 Sơn thành lập Công ty cổ phần và xây dựng thương hiệu chả cá Nha Trang Mạ. “Mạ có nghĩa là mẹ, nên tôi lấy tên này làm thương hiệu. Với tôi, những món ăn mẹ chọn luôn ngon và an toàn, tình cảm mà mẹ dành cho con lúc nào cũng thiêng liêng và đẹp nhất”, Sơn chia sẻ.
Sơn quan niệm chả cá phải có mặt ở các điểm bán sau 8 tiếng sản xuất, còn vận chuyển và phục vụ khách hàng trong vòng 24 giờ thì mới đảm bảo chất lượng và sự tươi ngon.
Hiện nay công ty Sơn có 46 đại lý phân phối là quán ăn, chợ với hai mặt hàng chả cá thu và chả cá truyền thống, ngoài ra còn bán đặc sản mực, nem, giúp anh có doanh thu 6 tỷ đồng một năm. Sơn cho biết đang hướng phát triển mạnh vào phân khúc chợ và siêu thị. Anh đặt ra mục tiêu đến tháng 7/2016 phải đạt mốc 300 đại lý. Ngoài ra chàng giám đốc trẻ này đang nghiên cứu để nhắm đến thị trường xuất khẩu. Hiện sản phẩm của công ty đã ra được nước ngoài theo hướng xách tay, nhưng sắp tới sẽ chuyển qua hướng chính ngạch.
“Tuy nhiên để chơi những cuộc chơi lớn, phải thử sức ở những cuộc chơi trong nước. Cách tốt nhất hiện nay là đem sản phẩm chả cá đến với nhiều người hơn”, Sơn nói.
Chia sẻ về kinh nghiệm chế biến sản phẩm, Nguyễn Văn Sơn cho biết chả cá không được dùng hàn the, do đó, để tạo được độ dai và trắng cho miếng chả, người thợ cần xay kỹ, pha nhiều cá đỏ thì miếng chả sẽ dai, còn cá thu sẽ làm cho miếng chả cá trắng hơn.
Dự án xây dựng thương hiệu chả cá Mạ của Sơn đạt giải 3 cuộc thi “Khởi nghiệp 2014” và “Best Innovation A Ward” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI phối hợp tổ chức.
Diễm Phạm