Hủy
Ý tưởng mới Thứ bảy, 20/2/2016, 13:58 (GMT+7)

Lỗ 20 tỷ vẫn quyết tâm nuôi lợn lần hai

Dù thất bại trong lần đầu tiên làm trang trại khiến số vốn 20 tỷ đồng gần như mất trắng, anh Phương vẫn tiếp tục bán nhà cửa và vay thêm ngân hàng để khởi nghiệp dự án nông nghiệp lần thứ hai.

Dưới đây là những chia sẻ về con đường khởi nghiệp đầy gian truân của anh Công Phương gửi tới bạn đọc VnExpress.

Tôi 43 tuổi, cách đây 6 năm khi công việc và gia đình đang ổn định thì tôi đã từ bỏ tất cả, mang theo 20 tỷ đồng rời Hà Nội để về quê làm trang trại tổng hợp nhím - rắn - gà - cá và lợn.

Tuy nhiên, tôi đã thất bại thảm hại do không có quy hoạch, giá cả bấp bênh, dịch bệnh, đầu tư dàn trải lại thiếu kinh nghiệm, không chủ động đầu vào, đầu ra và cũng không có quy trình sản xuất khép kín. Sau 5 năm (từ 2009-2013) tài sản còn lại chỉ là quả đồi đất 5ha với bao chuồng trại ngổn ngang và khoản nợ hơn 500 triệu đồng.

Đầu năm 2014, tôi rời quê về Hà Nội đi làm lại từ đầu. Do quen biết và công việc chuyên môn còn nắm vững nên được lãnh đạo ưu ái giao cho làm trưởng phòng chuyên môn với mức lương trên 20 triệu đồng một tháng. Vì quen làm tự do và chi tiêu thoải mái nên mức lương đó cũng chỉ tạm ổn cho gia đình 4 người ở Hà Nội.

Do áp lực công việc, gia đình và mong muốn lấy lại những gì trước đây đã mất, tôi vẫn muốn tiếp tục làm giàu với dự án từ nông nghiệp. Gia đình tôi lúc ấy đã trải qua cuộc bất hoà lớn do mấy năm gần đây tôi làm gì cũng thất bại.

Vì hai con trai còn nhỏ (đứa 3 tuổi và đứa 6 tuổi), nên vợ chồng tôi đã không ly hôn mà chọn ly thân có điều kiện và tôi vẫn là người chịu trách nhiệm chính về kinh tế với con cái. Vợ tôi trước đây vừa đi học vừa sinh con, bây giờ đã đi làm và ở bên nhà ngoại cùng các con. Nhà tôi ở Hà Nội đã bán được hơn 3 tỷ đồng, vợ yêu cầu gửi ngân hàng 2 tỷ lấy tiền lãi nuôi con và cho chúng sau này. Số còn lại tôi dùng làm vốn khởi nghiệp.

Số tiền một tỷ đồng ấy không đủ nên tôi đã kêu gọi nhiều bạn bè, anh em cùng góp vốn để khôi phục lại trang trại cũ với nhiều phương án mới nhưng tất cả đều từ chối vì họ sợ lại tiếp tục thất bại. Do vậy, trang trại hơn 5ha trước đây, vì là đất dự án thuê 50 năm nên giá trị cũng không cao, tôi đã quyết định thanh lý tất cả tài sản, trả xong nợ ngân hàng và bán đất trang trại được hơn 5 tỷ đồng.

Với số vốn này, tôi quyết định tiếp tục bắt đầu lại với dự án làm nông nghiệp tại nơi mới vì nghĩ rằng, ai cũng chỉ có một lần sống nên cứ làm những gì mình yêu thích. Do đó, tôi lại một lần nữa rời bỏ thành phố để về quê lập nghiệp.

Hãy gửi câu hỏi cần tư vấn hoặc chia sẻ kinh nghiệm đầu tư, làm giàu vềkinhdoanh@vnexpress.net

Lần này, tôi không vội vã, ồ ạt như trước, mà tham gia nhiều khoá học về nông nghiệp, đi thăm các mô hình ở trong và ngoài nước. Tôi luôn dặn mình phải cẩn trọng hơn vì cảm thấy sợ rủi ro, mạo hiểm thực sự. Việc đầu tiên của tôi là tiến hành lựa chọn địa điểm đầu tư. Tôi đã chọn mua một mảnh đất nơi bản thân đã được sinh ra - cách Hà Nội hơn 50km để vừa ở, vừa làm trang trại.

lo-20-ty-van-quyet-tam-nuoi-lon-lan-hai

Một phần cơ ngơi của anh Phương hiện tại.

Mảnh đất này rộng hơn một ha được tôi mua từ vài hộ dân, có nguồn gốc vừa là đất ao tù, đất vườn tạp xen kẹt cạnh khu dân cư với giá 2 tỷ đồng. Tôi tiến hành xây nhà ở hết một tỷ đồng; quy hoạch, cải tạo đất, xây dựng trang trại khép kín trên tổng diện tích 5.000m2 chuồng trại hết 3 tỷ đồng, còn lại hơn 5.000m2 để làm sân vườn, trồng hoa phong lan, cây ăn quả, rau xanh, nuôi gà, vịt, chó, ngan và ao cá.

Nhìn tổng thể thì đây không phải là dự án làm kinh tế trang trại, cũng không đủ tiêu chí là trang trại do gần khu dân cư nên tôi đã lựa chọn vừa làm "gia trại" tổng hợp quy mô nhỏ, khép kín để xử lý ô nhiễm, vừa làm nơi ăn ở sinh hoạt lâu dài.

Sau khi mua đất, cải tạo và làm thủ tục chuyển đổi sang đất ở, đất vườn hộ lâu dài, đầu tư xây dựng xong thì cũng là lúc tôi hết sạch tiền vốn tự có hơn 6 tỷ đồng. Tôi phải dùng tài sản này thế chấp vay ngân hàng hai tỷ đồng và vay thêm hai tỷ tại ngân hàng có tài khoản tiền gửi trước đó của con. Nhờ đó, tôi có được 4 tỷ đồng làm vốn lưu động. Tôi thuê 5 người làm với mức lương trả hàng tháng khoảng 5 triệu đồng một người.

Tôi bắt đầu kinh doanh từ giữa năm 2015 đến nay với tổng vốn khoảng trên 10 tỷ đồng. Tuy nhiên, do cơ cấu nợ lên đến gần 50% nên áp lực trả lãi và gốc là rất lớn. Sản phẩm bán ra chủ yếu của tôi vẫn là lợn, gà, ngan, vịt và cá. Trong đó, lợn giống ngoại là mặt hàng chủ đạo, dự kiến có sản lượng bán ra trên 10 tỷ đồng mỗi năm được tôi sản xuất theo quy trình khép kín từ heo bố mẹ đến heo thịt, nhưng thức ăn và thuốc thú y vẫn phải mua ngoài từ các tập đoàn lớn.

Nhờ làm chủ được quy trình sản xuất từ khâu lợn bố mẹ, heo giống, phòng và chữa bệnh tốt nên tôi hạn chế được các rủi ro dịch bệnh, xử lý được cơ bản ô nhiễm môi trường. Chi phí chăn nuôi được tôi tiết giảm tối đa nên giá lợn thương phẩm tương đối rẻ so với các trại khác. Chẳng hạn, nếu giá bán hiện nay của thị trường trên 40.000 đồng mỗi kg thì tôi đã có lãi hơn 5.000 đồng một kg lợn hơi.

Với những nỗ lực không mệt mỏi ấy, kết quả đạt được khá khả quan khi kết thúc năm 2015, tôi có tổng doanh thu các loại (lợn, gà, vịt, ngan, cá, chó, rau, quả) đạt trên 7 tỷ đồng, lợi nhuận thu về hơn một tỷ đồng. Dự kiến từ năm 2016 trở đi, tất cả các chỉ tiêu đạt gấp đôi.

Trong tương lai, tôi dự kiến sẽ điều chỉnh thức ăn chăn nuôi bằng thức ăn hỗn hợp rau xanh - ngũ cốc - thảo dược - men vi sinh ở khâu cuối từ 60kg đến xuất chuồng như một số nơi đã làm để có thể khẳng định về chất lượng nhằm chào bán cho các siêu thị. Còn hiện tại vì áp lực lợi nhuận nên tôi vẫn làm theo quy trình công nghiệp.

Mặc dù phía trước vẫn còn nhiều khó khăn nhưng ngồi ngẫm lại, tôi thấy rằng, so với trước đây làm việc ở thành phố lương 20 triệu đồng mỗi tháng thì dự án làm nông nghiệp lần này có vẻ tốt hơn. Hiện tại, cường độ làm việc là rất cao và khá vất vả nhưng tôi lại thấy tinh thần thoải mái vì được làm đúng những gì mình đam mê.

Công việc kinh doanh có thể coi là tạm ổn nhưng cuộc sống gia đình của tôi thì vẫn mâu thuẫn. Gia đình chỉ được sum họp vào kỳ nghỉ dài ngày hay kỳ nghỉ lễ Tết. Tôi đã động viên rất nhiều để vợ con về quê nhưng thực sự là khó khăn vì không nhận được sự đồng thuận. Do vậy, ngồi chia sẻ những dòng này mà tôi không biết mình đã đúng hay sai khi vẫn quyết định về quê lập nghiệp lần thứ hai.

Công Phương