Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành kinh tế tài chính ở hai trường đại học tại Thụy Điển và Hà Lan, với ý định học lên cao học, Hà Ngọc Huyền (sinh năm 1988 tại Hà Nội) về nước học thêm tiếng Pháp. Trong thời gian này, Huyền gặp và yêu một chàng trai người Pháp - anh cũng chính là người đã giúp cô gái trẻ có ý tưởng về một sản phẩm quà tặng hoàn toàn mới tại Việt Nam.
Huyền kể, vào dịp sinh nhật mẹ, Huyền khá vất vả để nghĩ món quà vừa có ý nghĩa vừa thể hiện tấm lòng và tình cảm để tặng mẹ. "Tặng quà là niềm vui cả của người tặng và người nhận, nhưng không chỉ bản thân tôi mà nhiều người luôn gặp khó khăn trong việc tìm mua món quà ưng ý", cô nói. Thấy Huyền mất nhiều thời gian để chọn quà, bạn trai đã thắc mắc tại sao Việt Nam không có dịch vụ quà tặng trải nghiệm như Pháp hay tại một số nước châu Âu?
Từ gợi ý của bạn trai và thực tế từng sử dụng dịch vụ này trong thời gian du học, Huyền bắt đầu tìm hiểu và thấy ở Việt Nam có ít sự lựa chọn về dịch vụ quà tặng. Trong khi đó, nhu cầu tặng quà tinh tế, sang trọng, ý nghĩa đến người nhận của người dân ngày càng cao. Mong muốn đưa dịch vụ mới mẻ đến Việt Nam nhờ sự hỗ trợ của bạn trai, Huyền bắt đầu lên kế hoạch để kinh doanh.
Khác với món quà thông thường, quà tặng trải nghiệm có đặc điểm nổi trội là người nhận có quyền lựa chọn các dịch vụ, tận hưởng món quà là những khoảnh khắc đáng nhớ có thể là những bữa ăn lãng mạn, liệu trình chăm sóc bản thân, giải trí, du lịch, lễ hội... với nhiều mức chi phí khác nhau và được chọn trước.
Sau một thời gian khảo sát thị trường, tháng 8/2014 website Kuàdobox chính thức ra mắt bằng toàn bộ số tiền tích kiệm của Huyền và bạn trai và một một phần trợ giúp, động viên của người thân trong gia đình.
"Hiện đời sống cũng như nhu cầu của người dân Việt Nam đã cao hơn, họ quan tâm đến tinh thần nhiều hơn là vật chất. Lúc này là thời điểm phù hợp để đưa dịch vụ này, nên chúng tôi mạnh dạn đầu tư. Chúng tôi muốn phá vỡ quan điểm thông thường về món quà về cách tặng và cách nhận ", nữ giám đốc trẻ tuổi chia sẻ.
Dù nhận được hỗ trợ, song cũng như nhiều bạn trẻ khởi nghiệp Huyền gặp khá nhiều khó khăn, trong đó lớn nhất là sự khác biệt văn hoá khi vận dụng mô hình quà tặng trải nghiệm vào Việt Nam. Huyền cho biết đơn cử như tại lễ cưới, trong khi người Việt Nam luôn cho rằng tặng tiền là một giải pháp tối ưu thì phương Tây, cô dâu chú rể đưa một món quà mong ước và các khách mời dựa vào đó mua quà tặng cho họ. Họ chọn quà tặng theo mong đợi và họ chọn để thể hiện sự quan tâm, tinh tế của người mua...
"Điều đó khiến tôi phải thay đổi một số điểm khi triển khai tại Việt Nam. Đó là tăng thêm nhiều giá trị về cả vật chất đến trải nghiệm cho sản phẩm. Bằng hình thức coupon và voucher đi kèm trong sản phẩm nhằm mang lại nhiều cơ hội trải nghiệm hơn cho người nhận", Huyền cho biết.
Thị trường cũng là vấn đề mà cô gái sinh năm 1988 gặp phải khi triển khai dự án. Là sản phẩm có giá trị tinh thần lồng trong yếu tố vật chất, yêu cầu Huyền phải khắt khe trong việc chọn đối tác có uy tín và có tên tuổi nhất định trên thị trường. Điều này sẽ giúp cho sản phẩm của công ty nhanh chóng nhận được tin cậy của khách hàng. Tuy nhiên, do đã có thương hiệu và lượng khách hàng ổn định nên không ít doanh nghiệp e ngại chia sẻ khi được Huyền mời hợp tác, thậm chí hiểu nhầm về mô hình Huyền đang làm.
Sau hơn một năm khởi nghiệp, dịch vụ của Huyền đã kết nối 28 nhà hàng trong "hộp" ẩm thực, 28 địa chỉ spa và 5-7 tour du lịch... Sắp tới, cô dự định triển khai thêm các nhóm quà tặng giải trí, khám phá, lễ hội và mở rộng quy mô địa điểm tới 63 tỉnh thành trên cả nước. Ngoài ra, Huyền cũng đang hướng tới việc người chọn dịch vụ quà tặng có thể đưa những ý tưởng và thông điệp của mình lên bao bì qua sự hỗ trợ của đội ngũ thiết kế.
Khách hàng sử dụng dịch vụ phần đông là các bạn trẻ. Huyền cho biết họ là những người luôn đi đầu các xu hướng mới. Do đó, không chỉ mua sản phẩm tặng bố mẹ, người thân... nhiều khách hàng cũng sử dụng gói sản phẩm cho chính bản thân.
Lúc này, doanh thu vẫn chưa như kỳ vọng, song Huyền cho rằng bất kỳ một sản phẩm nào cũng cần có thời gian tiếp cận thị trường. Vì vậy, kinh tế chưa hẳn là mục tiêu hàng đầu mà công ty của cô hướng đến đầu tiên. "Quà tặng trải nghiệm là một dịch vụ nên điều cần nhất vẫn sự hài lòng và ấn tượng của người sử dụng. Lúc đó, cái thu được sẽ ở nhiều hạng mục, không chỉ ở bán hàng", nữ giám đốc trẻ bày tỏ.
Huyền cũng cho rằng kinh doanh một mô hình mới tại Việt Nam luôn là một sự mạo hiểm. Điều đó buộc người đi đầu luôn phải có nhiệt huyết và chiến lược. Và cô biết rõ sự mạo hiểm và khó khăn riêng mô hình đang theo đuổi. "Bản thân mình còn trẻ nên cần được thử thách. Càng nhiều thử thách, càng nung lâu trong lửa thì kết quả sẽ càng rực rỡ", Huyền nói.
Thành Tâm