Hủy
StartUp 2019 Thứ năm, 31/10/2019, 19:00 (GMT+7)

Startup Việt rộng cửa hợp tác với các siêu ứng dụng

Hơn 80 startup lắng nghe kinh nghiệm phát triển và cơ hội gia nhập hệ sinh thái mở từ đại diện doanh nghiệp, chuyên gia đầu tư, tài chính tại workshop Startup Việt.

Workshop "Hệ sinh thái mở từ các ứng dụng triệu đô" do Báo VnExpress tổ chức thuộc khuôn khổ cuộc thi Startup Việt 2019 đã diễn ra vào sáng 31/10 tại Dreamplex Co-working Space, Bình Thạnh, TP HCM.

Mở đầu cho buổi hội thảo, ông Trương Gia Bảo - Giám đốc Marketing FPT Online, đại diện ban tổ chức cuộc thi Staartup Việt 2019 cho biết workshop là cầu nối để các startup gặp gỡ doanh nghiệp và các nhà đầu tư, từ đó tạo nền tảng cho những cú bắt tay, những cơ hội cùng nhau phát triển.

"Ở buổi chia sẻ 'Hợp tác với người khổng lồ' đầu tháng 8, các startup đã gặp các đại diện doanh nghiệp triệu đô, coi cách họ thành công. Tại sự kiện hôm nay, chúng tôi mong muốn các bạn sẽ tìm hiểu câu chuyện vận hành hệ sinh thái mở tại các doanh nghiệp khổng lồ, từ đó tìm ra những nhu cầu thực tế và khai thác tiềm năng trở thành những đối tác của các ông lớn", ông Bảo nói.

Ông Trương Gia Bảo - Giám đốc Marketing FPT Online phát biểu mở đầu hội thảo.

Ông Trương Gia Bảo - Giám đốc Marketing FPT Online phát biểu mở đầu hội thảo.

Gỉải bài toán nhỏ, tạo hệ sinh thái khổng lồ

Diễn giả thứ nhất của chương trình - ông Nguyễn Quốc Huy - Giám đốc Phát triển Kinh doanh và Đối tác Grab Việt Nam đảm nhận vai trò giúp các startup hiểu rõ cách doanh nghiệp phát triển một hệ sinh thái mở.

Ông Quốc Huy bắt đầu phần trình bày của mình với hình ảnh giao diện ứng dụng GrabTaxi thời kỳ đầu và ứng dụng Grab hiện nay. Sự khác biệt thể hiện rõ rệt, trong khi GrabTaxi ban đầu chỉ tập trung vào dịch vụ đặt xe công nghệ thì Grab hiện tại mở rộng hàng chục dịch vụ từ kết nối vận chuyển, giao hàng, giao nhận đồ ăn, thanh toán điện tử, đặt phòng khách sạn...

Theo ông Quốc Huy, dẫn chứng hình ảnh như vậy để cho thấy trước khi trở thành một "siêu ứng dụng" đáp ứng những nhu cầu thường ngày của người dân các nước Đông Nam Á, startup Grab khởi đầu chỉ với một mục tiêu là tạo ra một dịch vụ vận chuyển an toàn, tiện lợi cho người dân Malaysia. Sau khi giải hoàn tất bài toán về di chuyển, doanh nghiệp tiếp tục mở rộng các dịch vụ giao nhận đồ ăn, giao hàng, thanh toán...

Anthony Tan và Tan Hooi Ling mở ra một hệ sinh thái khổng lồ bằng cách giải quyết từng bài toán nhỏ. Startup không ngừng đặt ra câu hỏi rằng từ lúc người dùng ngủ dậy vào buổi sáng đến khi họ lên giường vào buổi tối sẽ có những hoạt động nào và Grab có thể làm điều gì để cuộc sống của họ thuận tiện hơn, tạo ra nhiều giá trị hơn.

Ông Nguyễn Quốc Huy - Giám đốc Phát triển Kinh doanh Grab Việt Nam.

Ông Nguyễn Quốc Huy - Giám đốc Phát triển Kinh doanh Grab Việt Nam.

"Đó cũng là lý do khi vào Việt Nam, chỉ với đội ngũ nhân sự 15 người, chúng tôi nhanh chóng tìm ra nhu cầu của khách hàng và chọn triển khai dịch vụ GrabBike đầu tiên tại Đông Nam Á, trước cả Thái Lan và Indonesia dù hai nước này vẫn có nhiều xe máy. Đến nay GrabBike trở thành một trong những mảng kinh doanh hiệu quả hàng đầu của chúng tôi tại Việt Nam", Giám đốc Phát triển Kinh doanh và Đối tác Grab Việt Nam nói.

Tiếp sau những lý giải về cách Grab phát triển hệ sinh thái mở thành công, ông Quốc Huy nhấn mạnh thêm đồng hành cùng "ông lớn" vận chuyển trong suốt 7 năm qua hình thành tại Đông Nam Á là hàng loạt đối tác, trong đó có nhiều startup. Theo ông Huy, Grab luôn hiểu rằng, không ai có thể làm tốt tất cả mọi điều, vì vậy, "kỳ lân công nghệ" chọn cách hợp tác cùng doanh nghiệp và startup. Quy mô của đối tác có thể trải rộng từ khu vực đến từng địa phương nhỏ.

Hiện tại Đông Nam Á, một số startup đồng hành cùng Grab có thể kể đến Booking.com (đặt phòng trực tuyến); Kudo (kênh bán lẻ phổ biến tại Indonesia); HappyFresh - dịch vụ giao hàng từ các bách hóa, siêu thị; BookMyShow - dịch vụ streaming video giải trí cho người dùng trong thời gian đợi xe... Tại Việt Nam, "người khổng lồ" xanh mới "mở cửa" cho các startup từ năm 2018. Trong số các hợp tác nổi bật có Moca - ví điện tử và Swift247 - dịch vụ giao hàng hỏa tốc.

Rộng cửa cho startup

Sau trình bày từ phía Grab Việt Nam, chương trình tiếp tục bằng phiên tọa đàm về cơ hội tham gia hệ sinh thái mở cho startup Việt. Ngoài ông Nguyễn Quốc Huy, tọa đàm còn góp mặt của các chuyên gia gồm ông Trần Vinh Dự - thành viên ban điều hành cấp cao của Ernst & Young (EY), ông Nguyễn Bá Ngọc - Nhà sáng lập và Chủ tịch HĐQT Công ty truyền thông đa phương tiện NBN Media, bà Mai Lan Vân - Giám đốc Marketing VinID, bà Nguyễn Quỳnh Anh - quản lý và đầu tư thiên thần thuộc chương trình Hỗ trợ khởi nghiệp Thụy Sỹ Swiss EP.

Các chuyên gia trong tọa đàm hướng dẫn startup

Các chuyên gia trong tọa đàm về cơ hội tham gia vào hệ sinh thái mở cho các startup.

Ông Nguyễn Quốc Huy nhấn mạnh, dù là siêu ứng dụng nhưng Grab không thể phát triển một mình mà cần những hợp tác, sáng tạo và đổi mới từ các doanh nghiệp khác. Theo ông Huy, lợi ích của các startup khi hợp tác cùng các "ông lớn" bên cạnh yếu tố vốn đầu tư, còn là cách nhanh chóng để mở rộng thị trường, khai thác nền tảng khách hàng sẵn có từ các doanh nghiệp. Đơn cử tại Đông Nam Á, cứ 4 smartphone thì có một máy sử dụng Grab. Ngoài ra, các đối tác còn hưởng lợi từ mạng lưới chuyên gia thuộc các lĩnh vực công nghệ, tiếp thị, sản phẩm... của các công ty.

"Chúng tôi hiện quan tâm đến một số lĩnh vực chủ chốt là dịch vụ tài chính và các sản phẩm thân thiện với môi trường, ví dụ như xe điện", Giám đốc Phát triển Kinh doanh và Đối tác Grab Việt Nam nói.

Cũng từ góc nhìn doanh nghiệp sở hữu hệ sinh thái mở, bà Mai Lan Vân - Giám đốc Marketing VinID cho biết, VinID là một trong những mảnh ghép trong bức tranh trở thành tập đoàn công nghệ của VinGroup. Đối với các startup có chức năng phù hợp và thuộc các lĩnh vực bán lẻ, F&B, đời sống, vận chuyển và giáo dục, doanh nghiệp sẵn sàng bắt tay. Có ba cách thức để kết nối doanh nghiệp và các startup, bao gồm thành đối tác, thương vụ M&A hoặc quyết liệt hơn là mua lại startup. Cả ba hướng đều là cơ hội giúp startup chạm hơn 10 triệu khách hàng thân thiết thuộc hệ sinh thái VinGroup.

Bà Nguyễn Quỳnh Anh - Giám đốc Chương trình Swiss EP lưu tâm rằng các startup cần hiểu rõ bản chất của các hệ sinh thái mở là chuỗi giá trị theo dạng mạng lưới, do đó luôn thay đổi và dịch chuyển. Bà Quỳnh Anh cho rằng, kể cả các kỳ lân như Grab cũng phải đương đầu với việc duy trì tệp khách hàng hiện tại, nguồn lực để phát triển các sản phẩm mới phần nào bị san sẻ, hoặc có những thị trường ngạch mà các doanh nghiệp triệu đô sẽ bỏ sót.

"Những nền tảng mở - open platform mở ra khoảng trống để các startup điền vào", bà Quỳnh Anh nhấn mạnh.

Startup Việt rộng cửa hợp tác với các siêu ứng dụng
 
 

Giám đốc Chương trình Swiss EP với kinh nghiệm đầu tư và tạo cơ hội cho hàng loạt startup trong khu vực kết nối với các "ông lớn" cho biết thêm, mối quan hệ này thực chất là hai chiều. Không chỉ các startup nỗ lực, mà các doanh nghiệp muốn phát triển hệ sinh thái cũng sẽ tìm kiếm cơ hội hợp tác với những nhân tố mới. Điển hình có Facebook Ventures hay Google Ventures.

Trong khi đó, với nhiều năm trong lĩnh vực tài chính, ông Trần Vinh Dự - thành viên ban điều hành cấp cao của Ernst & Young (EY) - một trong Big4 của giới kiểm toán liên tục nhắc nhở các startup cần cẩn trọng trong các giao dịch đầu tư và hợp tác. Theo ông, các startup thường đánh mất động lực sáng tạo, tìm tòi cái mới sau khi nhận được các món tiền từ thương vụ hợp tác hoặc đầu tư. Ông từng chứng kiến nhiều nhà sáng lập startup mang tiền mua nhà, mua xe, dẫn đến công ty phá sản.

Ông Vinh Dự cho rằng, các nhà đầu tư cần startup luôn khao khát, luôn dịch chuyển. Để tạo ra mối liên kết chặt chẽ, chuyên gia cho biết cần nhất là cam kết giữa hai bên, ngay cả việc trả lương cho các founder cũng phải thỏa thuận. Thành viên ban điều hành cấp cao EY đưa ví dụ về mức lương của chủ tịch một trong những startup hàng đầu thuộc lĩnh vực thương mại điện tử tại Việt Nam khoảng 5.000USD một tháng. Trong khi trong cùng công ty, một nhân sự người Singapore được trả hon 20.000 USD.

Đồng quan điểm với ông Dự, bà Quỳnh Anh từ Swiss EP cho rằng, startup là người hiểu rõ nhất bản chất của mình, từ đó sẽ đưa ra những đánh giá, nghiên cứu, lựa chọn nhà đầu tư hợp lý với nhu cầu phát triển từng thời kỳ.

Bảo An
Ảnh: Quỳnh Trần
Video: Công Khang

Startup Việt rộng cửa hợp tác với các siêu ứng dụng - 3