Hủy
Xu hướng Thứ hai, 12/2/2018, 17:43 (GMT+7)

Khởi nghiệp Việt Nam thu hút 291 triệu USD đầu tư năm 2017

2017 được đánh giá là một năm khởi sắc với khởi nghiệp Việt Nam khi số thương vụ đầu tư tăng gấp đôi năm ngoái, chạm mốc 291 triệu USD. 

Theo Báo cáo Khởi nghiệp thường niên của Topica Founder Institute (TFI) năm 2017, số lượng các thương vụ nhận đầu tư là 92, tăng gần gấp đôi so với năm 2016.

Tổng giá trị đầu tư đạt 291 triệu USD, tăng 42% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo TFI, con số 92 thương vụ đã bao gồm cả các hợp đồng đầu tư không được tiết lộ nhưng thực tế có thể còn hơn.

Năm 2017, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam ghi nhận 92 thương vụ đầu tư với tổng trị giá 291 triệu USD. Ảnh: TFI

Năm 2017, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam ghi nhận 92 thương vụ đầu tư với tổng trị giá 291 triệu USD. Ảnh: TFI

6 startup được rót vốn nhiều nhất, chiếm đến 198 triệu USD là Foody ( 82% cổ phần của startup này được Sea Group mua lại với 64 triệu USD); Tiki (gọi vốn vòng series C từ JD.com trị giá 54 triệu USD); một startup không tiết lộ nhận 20 triệu USD từ TNB Ventures và Vntrip (gọi vốn vòng series B từ Hendale Captital 10 triệu USD). Bên cạnh đó, Sea cũng mua lại hai startup fintech và logistic không được tiết lộ với giá 50 triệu USD.

Trong năm 2017, các startup lĩnh vực thương mại điện tử dẫn đầu số lượng gọi vốn với 21 thương vụ, đạt xấp xỉ 83 triệu USD. Theo sau là các lĩnh vực công nghệ ẩm thực, fintech, truyền thông, vận tải và du lịch trực tuyến. 

6 lĩnh vực startup thu hút đầu tư nhiều nhất gồm có thương mại điện tử, công nghệ ẩm thực, công nghệ tài chính, truyền thông, vận tại và du lịch trực tuyến. Ảnh: TFI

6 lĩnh vực startup thu hút đầu tư nhiều nhất gồm có thương mại điện tử, công nghệ ẩm thực, công nghệ tài chính, truyền thông, vận tại và du lịch trực tuyến. Ảnh: TFI

Cũng trong năm 2017, lần đầu tiên hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam ghi nhận số lượng nhà đầu tư thiên thần nội và các quỹ trong nước “vượt mặt” quỹ ngoại về số các thương vụ rót vốn. 

Sự vươn lên của các quỹ nội như VIISA, ESP, VSV, 500 Startups Vietnam và chương trình Shark Tank- Thương vụ bạc tỷ cũng chốt được 49 vụ đầu tư vào các startup giai đoạn đầu. Tuy vậy, trị giá các phi vụ từ nhà đầu tư nội chỉ đạt 46 triệu USD, trong khi con số tương tự của các nhà đầu tư ngoại là 245 triệu USD. 

Top 4 các nhà đầu tư lớn nhất theo trị giá các thương vụ. Ảnh: TFI

Top 4 các nhà đầu tư lớn nhất theo trị giá các thương vụ. Ảnh: TFI

Theo các nhà nghiên cứu, làn sóng ICO tại Việt Nam chỉ mới manh nha xuất hiện từ khoảng giữa năm 2017 nhưng đã có những dấu ấn nhất định như dự án Kyber Network của CEO Lợi Lưu. Cụ thể, nền tảng giao dịch KyberNetwork chính thức ICO vào ngày 15/9 và thu về 200.000 Ethereum với trị giá 56 triệu USD tại thời điểm đó. Hiện nay, mạng lưới có giá trị hơn 333 triệu USD.

Theo thống kê và nhận định về khởi nghiệp Việt Nam của VIISA, 2017 đánh dấu một năm sôi động cho cộng đồng startup Việt không chỉ về số lượng mà trên hết là về chất lượng kiến thức, sức ảnh hưởng và tốc độ tăng trưởng so với cộng đồng toàn cầu.

Các chuyên gia nhận định một trong những yếu tố khiến cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam hoạt động ngày càng chuyên nghiệp, trở nên hấp dẫn trong con mắt các nhà đầu tư trong và ngoài nước là nhờ sự tích cực của các chương trình tăng tốc khởi nghiệp, vườn ươm startup. Đây là các đơn vị không chỉ chịu trách nhiệm tư vấn, hỗ trợ và đào tạo các startup phát triển từ giai đoạn đầu mà còn là nền tảng hiệu quả kết nối các doanh nhân khởi nghiệp với nhà đầu tư. 

Sự quan tâm của Nhà nước và sự hoạt động tích cực của các chương trình tăng tốc khởi nghiệp tạo môi trường phát triển cho các startup Việt. Ảnh: Internet

Sự quan tâm của Nhà nước và sự hoạt động tích cực của các chương trình tăng tốc khởi nghiệp tạo môi trường phát triển cho các startup Việt. Ảnh: Internet

Cụ thể, TFI trong năm 2017 đã tổ chức tốt nghiệp thành công cho 12 startup, 9 trong số đó đã có màn thuyết trình gọi vốn trước 40 quỹ đầu tư mạo hiểm ngoại. Từ năm 2011, khoảng 70 startup Việt với tổng trị giá 100 triệu USD đã trưởng thành từ chương trình này, gọi vốn thành công hơn 20 triệu USD. 

Tương tự, VIISA (Vietnam Innovative Startup Accelerator), dự án hợp tác giữa tập đoàn FPT, Dragon Capital và Hanwha Investment đã đầu tư 30.000 USD vào 18 startup Việt. Tháng 4/2017, 7 startup Việt đã tốt nghiệp từ chương trình, huy động thành công 515.000 USD tiền đầu tư. 

Bước sang năm 2018, chương trình tăng tốc khởi nghiệp VIISA sẽ tập trung vào startup các lĩnh vực công nghệ tài chính, công nghệ lữ hành, trí tuệ nhân tạo/chatbot, Internet vạn vật, chăm sóc sức khoẻ và tập hợp dữ liệu lớn theo xu hướng phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. 

VIISA cho biết đơn vị này cũng đang tích cực mở rộng mạng lưới các đối tác khu vực, thảo luận với các tập đoàn, các cơ sở giáo dục địa phương và khu vực, nhằm đưa startup Việt ra nước ngoài, cũng như thu hút các doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam và khám phá thị trường đầy tiềm năng này.

Huyền Trang