Hủy
Xu hướng Thứ tư, 24/3/2021, 00:00 (GMT+7)

Nền tảng ứng lương cho lao động nhận vốn vòng hạt giống

Startup về ứng lương tức thì Gimo vừa gọi vốn thành công từ ThinkZone Ventures, BK Fund… để mở rộng thị trường.

Gimo, startup thuộc lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech) với nền tảng ứng lương tức thì cho người lao động Việt Nam vừa gọi vốn thành công tại vòng hạt giống (Seeding) từ ThinkZone Ventures, BK Fund và một số nhà đầu tư thiên thần.Công ty này chưa tiết lộ con số cụ thể.

Thành lập từ cuối năm 2019 bởi Nguyễn Văn Ngọc và Nguyễn Anh Quân, thuộc thế hệ 8x, Gimo cho phép người lao động tạm ứng thu nhập tức thì trước ngày trả lương định kỳ của doanh nghiệp. Số tiền tạm ứng được tính dựa vào dữ liệu chấm công thực tế của người lao động trong tháng.

Quyết định rót vốn cho Gimo từ vòng đầu tiên, đại diện ThinkZone Ventures cho biết nhận thấy cơ hội thị trường dành cho Gimo nói riêng và nền tảng ứng lương tức thì (EWA – earned wage access) vô cùng rộng mở. Quỹ đầu tư mạo hiểm này đánh giá cao sự khác biệt mà họ đang tạo ra cho những người lao động đang chật vật tiếp cận vốn từ ngân hàng.

"ThinkZone Ventures sẽ hỗ trợ Gimo 'phổ cập' giải pháp công nghệ này, qua đó, tăng cường khả năng tiếp cận vốn của người dân Việt Nam trong thời gian tới", ông Bùi Thành Đô, Thành viên sáng lập và Giám đốc điều hành của ThinkZone, cho biết.

Đại diện Gimo, ThinkZone, BK Fund... trong lễ ký kết hợp tác đầu tư. Ảnh:

Đại diện Gimo, ThinkZone, BK Fund... trong lễ ký kết hợp tác đầu tư. Ảnh: Gimo.

Theo Cơ sở Dữ liệu Toàn cầu về Phổ cập Tài chính (Findex) của Ngân hàng Thế giới, năm 2017, gần 2/3 người trưởng thành ở Việt Nam không có tài khoản ngân hàng hoặc ít có cơ hội tiếp cận với nguồn vốn vay chính thống, mức cao nhất ở Đông Nam Á. Họ thường phải tìm đến các dịch vụ tài chính có chi phí cao như các khoản vay ngân hàng số tiền lớn, kỳ hạn dài hoặc vay lãi theo ngày với lãi suất cao để giải quyết nhu cầu chi tiêu khẩn cấp.

Trước cơ hội trên, ông Nguyễn Anh Quân, Nhà đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của Gimo, hy vọng sẽ "lấp đầy" khoảng trống thị trường bằng cách giải quyết nhu cầu tài chính tức thời của hàng chục triệu người lao động. Theo ông, việc này còn giúp bảo đảm phúc lợi, giúp họ an tâm làm việc và gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.

"Tại Việt Nam, Gimo là công ty tiên phong trong nền tảng ứng lương tức thì", ông Anh Quân khẳng định.

Đại diện Gimo nói thêm, ngoài người lao động, doanh nghiệp cũng có lợi. Chế độ, quyền lợi cho người lao động toàn diện sẽ kéo theo tỷ lệ thôi việc và các chi phí liên quan như phí tuyển dụng và đào tạo giảm. Theo ông Quân, hạnh phúc của nhân viên chính là tiền đề cho sự thành công của doanh nghiệp.

Trong giai đoạn đầu, người dùng Gimo có thể yêu cầu ứng lương và theo dõi thu nhập của mình thông qua một ứng dụng di động tích hợp vào hệ thống quản lý nhân sự và chi trả lương của công ty. Mọi giao dịch đều minh bạch và cập nhật theo thời gian thực. Trong tương lai, công ty dự kiến sẽ xây dựng và vận hành một siêu ứng dụng với sự tham dự của nhiều bên như doanh nghiệp, ngân hàng và các tổ chức tài chính, nhà bán lẻ, công ty bảo hiểm... bổ sung thêm nhiều tính năng tiện lợi cho người lao động như mua sắm trực tuyến và quản lý tài chính cá nhân.

Ứng lương được xem giải pháp giúp giảm nạn tín dụng đen, Ảnh:  :Xuân Hoa.

Ứng lương được xem giải pháp giúp giảm nạn tín dụng đen, Ảnh: Xuân Hoa.

Ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái kiêm, Chủ tịch BK Fund, một quỹ đầu tư mạo hiểm thuộc Đại học Bách Khoa Hà Nội chia sẻ: "Chúng tôi tự hào khi thấy xuất hiện ngày càng nhiều startup về công nghệ tài chính tập trung vào việc giải quyết các vấn đề cấp thiết của xã hội". Ông kỳ vọng sẽ phối hợp cùng Gimo để mở rộng phạm vi tiếp cận và tầm ảnh hưởng của giải pháp này thông qua mạng lưới cựu sinh viên, doanh nghiệp và cộng đồng đối tác của quỹ đầu tư.

Tất Đạt

Trước đó, ThinkZone và Quỹ BK Fund công bố hợp tác dài hạn trong việc quản lý Quỹ BK Fund I. Kế hoạch dài hạn là nâng quy mô BK Fund lên 10 triệu USD. Theo kế hoạch, ThinkZone sẽ tìm kiếm, chọn lọc và thẩm định các startup tiềm năng để giới thiệu tới Hội đồng Đầu tư của BK Fund. Các startup sẽ có cơ hội nhận đầu tư từ ThinkZone Ventures, BK Fund và các nhà đầu tư cá nhân trong đội ngũ BK Fund. Với startup thực sự tiềm năng, quy mô đầu tư có thể lên tới 1 triệu USD.