Mới đây, nền tảng dạy kèm trực tuyến Clevai vừa thông báo nhận 2,1 triệu USD trong vòng gọi vốn Pre-Series A từ Altara Ventures, quỹ đầu tư có trụ sở tại Singapore.
Ra mắt thị trường từ tháng 8/2020, Clevai là nền tảng dạy học online dành cho học sinh phổ thông, ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Điểm đặc biệt của Clevai là khả năng cá nhân hóa trải nghiệm của người học dựa trên lịch sử học tập, từ đó cung cấp tài nguyên học và một lộ trình phù hợp, các đánh giá kịp thời để đảm bảo tiến bộ.
Tình hình dịch bệnh, các quy định giãn cách xã hội đã thúc đẩy nhu cầu học online ở các bậc học, cũng là cơ hội cho các startup edtech vào cuộc. Tiềm năng của mảng giáo dục trực tuyến vốn còn manh nha tại Việt Nam thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước mạnh tay rót vốn. Ra đời giữa đại dịch, nhiều startup edtech đã gọi đầu tư thành công hàng triệu USD.
Đơn cử, thành lập đầu năm 2021, Marathon - startup dạy thêm trực tuyến của Việt Nam mới đây vừa công bố gọi vốn thành công 1,5 triệu USD trong vòng tiền hạt giống (pre-seed) từ Forge Ventures, Venturra Discovery, iSeed, cùng các nhà đầu tư thiên thần khác. Hướng tới đối tượng trước mắt là học sinh lớp 6-12, Marathon cung cấp các bài giảng trực tuyến và các phiên "break-out"(chia nhóm), nơi học sinh có thể chia nhóm và đặt câu hỏi trực tiếp với trợ giảng.
Hoạt động trong mảng đào tạo lập trình, CoderSchool, một startup edtech "6 tuổi" khác cũng vừa thông báo nhận 2,6 triệu USD tiền tài trợ A do Monk's Hill Ventures dẫn đầu. Đại diện startup này cho biết, kể từ đầu năm 2020, số lượng học viên đăng ký học trực tuyến của công ty tăng 100% mỗi quý.
Cuối tháng 8, quỹ đầu tư mạo hiểm Do Ventures cũng công bố khoản đầu tư không tiết lộ giá trị vào Vuihoc - nền tảng giáo dục trực tuyến tập trung vào bậc tiểu học với 3 môn tiếng Việt, tiếng Anh và Toán theo chương trình học theo chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Sau hai năm hoạt động, startup EdTech đã có vòng gọi vốn đầu tiên.
Một startup về công nghệ giáo dục khác cũng nhận đầu tư mới đây là công ty Cổ phần Educa, với 2 triệu USD tại Series A từ Redefine Capital Fund, quỹ đầu tư do Alibaba hậu thuẫn. Thành lập năm 2018, Educa mang đến giải pháp học tiếng Anh online cho học sinh Việt Nam với các bài giảng từ đội ngũ giáo viên bản ngữ, học qua hình ảnh và hoạt hình, các bài tập luyện nói, trò chơi tương tác tiếng Anh áp dụng công nghệ AI, Apdative Learning...
Startup về học tiếng Anh khác là Equest mới đây vừa huy động 100 triệu USD từ KKR. Hay ứng dụng ngôn ngữ hỗ trợ trí tuệ nhân tạo Elsa trong vòng gọi Series B thu về 15 triệu USD Mỹ do Vietnam Investments Group dẫn đầu...
Đại dịch trong những năm qua đã tạo nên cuộc cách mạng cho các công ty trong lĩnh vực Edtech, thúc đẩy họ tăng tốc. Thị trường giáo dục và lớp học thông minh toàn cầu có thể đạt 181 tỷ USD vào năm 2025, theo Forbes.
"Tiềm năng này được minh chứng rõ nét ở châu Á, nơi có số doanh nghiệp edtech lớn nhất và có quy mô tăng nhanh trên thế giới. Trong số đó, các công ty khởi nghiệp edtech đã tạo ra nhiều đột phá và do đó, nhận được nhiều tài trợ nhất. Dân số Đông Nam Á luôn là những người sớm tiếp nhận công nghệ và đối với edtech cũng vậy. Sự cạnh tranh có thể sẽ trở nên gay gắt trong những năm tới", theo Forbes.
Theo Bain & Company, trung bình mỗi gia đình Việt Nam chi khoảng 20% thu nhập khả dụng cho giáo dục cho con cái, so với 6 - 15% ở các nước Đông Nam Á khác. Ken Research ước tính đến cuối năm 2023, thị trường e-learning Việt Nam sẽ đạt giá trị trên 3 tỷ USD, với sự gia tăng số lượng các công ty nước ngoài tham gia vào thị trường.
Phong Vân