Hủy
Ý tưởng mới Thứ sáu, 18/6/2021, 10:15 (GMT+7)

Hack4Growth mùa 2 giải quyết các vấn đề của gần 30 tỉnh, thành

Hơn 50 đề bài thực tiễn từ gần 30 tỉnh, thành từ Bắc vào Nam đã được đặt ra cho các đội thi tham dự cuộc thi đổi mới sáng tạo Hack4Growth mùa 2.

Với định hướng lấy đổi mới sáng tạo làm nền tảng, thúc đẩy Việt Nam phát triển bền vững, cuộc thi "Hack4Growth mùa 2 - Unlimited" được phát động từ giữa tháng 3 và bắt đầu nhận hồ sơ từ giữa tháng 4 năm nay.

Sứ mệnh của cuộc thi là hướng xã hội chung tay tìm ra giải pháp, kêu gọi đồng bào và kiều bào Việt Nam trên thế giới tìm đáp án cho các bài toán địa phương với quy mô toàn cầu, góp phần nâng cao thế và lực của quốc gia trong bối cảnh "bình thường mới".

Đồng hành cùng ban tổ chức cuộc thi hiện thực hóa mục tiêu đó là gần 30 tỉnh thành trải khắp mọi miền Tổ quốc. Các địa phương đưa ra hơn 50 đề bài liên quan đến những lĩnh vực như công thương, nông nghiệp, môi trường, công nghệ thông tin, văn hóa - du lịch, y tế, giáo dục... Mỗi đề bài tập trung vào những vấn đề còn tồn đọng tại mỗi địa phương, nhằm tìm ra những giải pháp đổi mới sáng tạo giúp giải quyết những "nút thắt" đó.

Đơn cử với tỉnh miền núi Đông Bắc Hà Giang, địa phương thuộc nhóm các tỉnh nghèo trong cả nước, đồng bào dân tộc thiểu số ở đây đang đối mặt với những khó khăn do rác thải gây ra. Vì vậy, tỉnh kêu gọi các ý tưởng sáng tạo liên quan tới môi trường - vấn đề bức thiết nhất, cũng như những sáng tạo về y tế, giáo dục.

Hà Giang là một trong những địa phương đưa ra đề bài cho các thí sinh Hack4Growth mùa 2. Ảnh: Nguyễn Hữu Thông.

Hà Giang là một trong những địa phương đưa ra đề bài cho các thí sinh Hack4Growth mùa 2. Ảnh: Nguyễn Hữu Thông.

Trong khi đó, Sơn La - tỉnh Tây Bắc có số hộ nghèo lớn thứ ba cả nước, lại chưa phát triển toàn diện hệ thống giáo dục - đào tạo để nuôi dưỡng nhân tài, đồng thời hạn chế trong công nghệ xử lý nước thải và cảnh báo sạt lở. Tỉnh được kỳ vọng có bước nhảy vọt về kinh tế và nông nghiệp nếu giải quyết được những thách thức trên.

Tại miền Bắc, thành phố cảng Hải Phòng cũng kêu gọi những ý tưởng, sản phẩm đổi mới, mang lại động lực thúc đẩy phát triển cho thành phố trong những vấn đề cấp bách như biến đổi khí hậu, năng lượng sạch và bền vững, môi trường, đô thị thông minh, công nghệ số, cơ khí và chế tạo, nông nghiệp, công nghiệp, kinh tế dịch vụ. Thủ đô Hà Nội mong muốn những nhà sáng tạo Việt trên toàn cầu tư duy những giải pháp về giao thông đô thị, nông nghiệp, môi trường và quản lý chuỗi cung ứng...

Trên dải đất miền Trung, Hà Tĩnh thường xuyên phải đối mặt với thực trạng bão lũ, gây nhiều thiệt hại về vật chất và tinh thần. Tỉnh kỳ vọng những ý tưởng khắc phục vấn đề trong các mảng: môi trường, nông nghiệp, du lịch...Trong khi đó, Quảng Bình tập trung tìm kiếm những giải pháp về tăng trưởng công thương và bảo tồn giá trị đa dạng sinh học. Tỉnh đồng thời cũng đầu tư mạnh mẽ cho giáo dục, đặc biệt là ngoại ngữ để nâng cao chất lượng du lịch địa phương. Thừa Thiên - Huế cũng đặt ra những vấn đề đang cần ý tưởng đổi mới sáng tạo bao gồm: ứng dụng công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo trên nhiều lĩnh vực, phát triển làng nghề truyền thống, công nghệ sinh học, dược liệu...

Tại miền Nam, Cần Thơ - địa phương đang gặp phải những khó khăn khi tình hình lũ thượng nguồn đổ về gây ảnh hưởng đến trồng trọt, thành phố kêu gọi các ý tưởng về nông nghiệp, môi trường, công nghệ thông tin. Trong khi đó, Sóc Trăng cần sự nỗ lực, chung tay từ cộng đồng để tìm giải pháp về ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp và chăn nuôi, môi trường, giáo dục và du lịch. Và để giữ vững đà phát triển, tỉnh Tây Ninh cũng cần vượt qua những thách thức lớn trên nhiều lĩnh vực, như: nông nghiệp, phát thanh và truyền hình, thông tin và truyền thông, du lịch... Trung tâm kinh tế của cả nước, TP HCM cũng phải đối mặt với những khó khăn trong các vấn đề về chuyển đổi số, chuyển giao công nghệ, phát triển trí tuệ nhân tạo, nông nghiệp thông minh, du lịch và cần thêm những ý tưởng giải quyết những bài toán đó.

Ngoài việc đặt ra các bài toán cấp thiết cho các thí sinh giai đoạn này, đối với các ý tưởng đạt giải tại Hack4Growth Unlimited, các địa phương cũng đóng vai trò hỗ trợ cá nhân, tổ chức hiện thực hóa những ý tưởng đó trong tương lai.

Hack4Growth Unlimited nhằm tìm kiếm, kết nối các đầu cầu quốc tế, các nhà đổi mới sáng tạo và các lãnh đạo người Việt có tầm ảnh hưởng, truyền cảm hứng để mang lại hiệu quả cho hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Việt Nam. Đây là cuộc thi lớn nhất kết nối các địa phương với cộng đồng khởi nghiệp và sáng nghiệp trong nước và ngoài nước thông qua sự bảo trợ của Uỷ ban người Việt Nam ở nước ngoài - Bộ Ngoại giao.

Những đội thi tham dự Hack4Growth mùa 1. Ảnh: AVSE Global.

Những đội thi tham dự Hack4Growth mùa 1. Ảnh: AVSE Global.

Cuộc thi có phạm vi tổ chức quy mô trên 5 trung tâm đổi mới sáng tạo quan trọng, gồm Việt Nam, châu Âu, Mỹ, Nhật Bản và Australia, thông qua liên kết với các cộng đồng đổi mới sáng tạo hàng đầu trên các quốc gia và khu vực, được tăng tốc bởi lực lượng chuyên gia, cố vấn và đối tác đẳng cấp quốc tế trên 20 quốc gia. Các đội thi, cố vấn, đối tác sẽ tham gia kết nối trên nền tảng kết nối đổi mới sáng tạo độc quyền của AVSE Global.

Hack4Growth mùa đầu đã quy tụ khoảng 500 thí sinh, cùng 150 dự án chất lượng cao đa dạng các lĩnh vực, dưới sự dẫn dắt của hơn 30 huấn luyện viên, cố vấn đến từ hơn 15 quốc gia, cung cấp hơn 1.000 giờ đào tạo và huấn luyện cho các đội thi.

Mở đơn đăng ký từ ngày 16/4, Hack4Growth mùa 2 - Unlimited thu hút đối tượng tham gia là các doanh nghiệp hoặc nhóm đã hoạt động dưới 5 năm, các cá nhân từ 18 tuổi trở lên, không giới hạn sinh viên, nhà khởi nghiệp, doanh nghiệp, giáo viên, nghiên cứu sinh trong và ngoài nước. Trong các nhóm tham gia ít nhất cần có một thành viên quốc tịch Việt Nam hoặc là người gốc Việt.

"Sự kiện là nơi trái tim Việt Nam cùng chung nhịp đập, tâm tư của mỗi người con đất Việt hội tụ về một hướng, thắp lên trong mỗi người về sức mạnh của sự đoàn kết. Những đổi mới, sáng tạo của chúng ta sẽ làm nên bước ngoặt lớn, đánh dấu sự chuyển mình mỗi địa phương và cả nước", đại diện ban tổ chức nhấn mạnh.

Hoài Phong