Dưới đây là những chia sẻ về con đường khởi nghiệp đầy gian truân với dịch vụ giao thức ăn nhanh được bạn Phạm Phước Long gửi tới bạn đọc VnExpress.
Tôi năm nay 29 tuổi, sinh ra trong hoàn cảnh không có cha. Từ nhỏ, mẹ phải đi lao động ở nước ngoài và để tôi sống với bà ngoại. Hàng tháng, mẹ dành dụm số tiền ít ỏi gửi về lo cho tôi ăn học. Biết hoàn cảnh gia đình khó khăn, tôi cũng cố gắng chăm chỉ học hành, nhưng đến lớp 11 thì nghỉ học ở nhà phụ bà vì mẹ không còn khả năng chu cấp.
Hãy gửi câu hỏi cần tư vấn hoặc chia sẻ các bài viết liên quan đến kinh nghiệm đầu tư, làm giàu về kinhdoanh@vnexpress.net hoặc lechi@vnexpress.net |
Năm 20 tuổi, bà mất và chỉ còn một mình tôi bươn chải giữa đất Sài Gòn (tôi không còn bà con gần). Tôi phải làm đủ thứ nghề từ phục vụ quán ăn, nhà hàng, cà phê, rồi đến làm việc giao hàng cho các công ty chuyển phát nhanh, vận chuyển thuốc tây, hàng hóa cho siêu thị...
Sau thời gian làm việc vất vả, tôi dành dụm được một số tiền tương đối và quyết định đi Singapore mua hàng hiệu gửi xách tay về Việt Nam bán kiếm lời. Và rồi, tôi gặp được một người bạn có hoàn cảnh cũng gần giống mình nên cả hai chơi rất thân với nhau.
Sau một năm bôn ba xứ người không mấy thuận lợi, chúng tôi về lại Việt Nam. Vì là người không có gia đình bên cạnh, tài sản cũng chẳng có gì nên tôi lại lao đầu vào làm việc với nhiều nghành nghề khác nhau như buôn bán online, giao hàng cho các shop bán hàng trực tuyến...
Vào một buổi tối cuối tuần, tôi và người bạn thân ấy gặp nhau. Chúng tôi vào một quán bình dân ở quận 10 ăn tối. Cả hai cùng chụp hình và đưa lên trang mạng xã hội. Ngay sau đó, chúng tôi nhận được những lời bình luận trên đó, bày tỏ mong muốn được ăn những món này nhưng nhà quá xa. Chúng tôi hỏi bạn ấy muốn ăn như thế nào và đã mua mang đến. Vì là bạn bè nên hai đứa dự định chỉ lấy lại tiền phần ăn nhưng người bạn đó nhất quyết gửi thêm vài chục nghìn tiền xăng.
Trên suốt đường về nhà, cả hai đứa tôi tâm sự với nhau rằng, tại sao không thử làm dịch vụ giao thức ăn tương tự như vậy đến những người bận rộn hoặc là vì lý do gì đó không ra ngoài mua được. Lúc này, chúng tôi chợt liên tưởng tới thời còn ở Singapore, họ có dịch vụ giao thức ăn, nước uống đến tận nhà rất phát triển. Tại sao mình không thử triển khai dịch vụ này tại Việt Nam? Câu hỏi đó cứ luẩn quẩn mãi bên tôi.
Thế là một tuần sau đó, tôi và người bạn quyết định bắt tay thực hiện ý tưởng trên vào giữa năm 2012. Ban đầu chỉ có hai chúng tôi làm. Hàng ngày, tôi và người bạn lang thang đi tìm những quán ăn ngon, hợp vệ sinh và giá cả phải chăng để vào ăn rồi chụp hình đưa lên mạng. Những món này khi đưa lên mạng được chúng tôi ghi chú rõ số tiền từng món, kèm lời rao :"Giao thức ăn tận nơi cho các bạn đang đói bụng".
Điều khá bất ngờ là ngay đêm thứ nhất ấy, chúng tôi có được bốn người đặt hàng với mỗi khách là 5 món ăn. Kết thúc đêm giao hàng đầu tiên này, sau khi trừ tiền vốn và chi phí xăng cộ, chúng tôi kiếm lời hơn 300.000 đồng trong đó gồm tiền phí giao hàng và chênh lệch giá thức ăn (mỗi đứa 150.000 đồng). Đây là số tiền đầu tiên chúng tôi làm dịch vụ có được nên cảm giác lúc đó vui không sao tả nổi. Và rồi các đêm sau đó, những cuộc điện thoại, tin nhắn đặt hàng cứ tăng dần đều, có lúc lên hơn chục đơn hàng.
Cứ nghĩ rằng, mọi chuyện làm ăn như vậy là suôn sẻ. Nhưng trong kinh doanh, nhất là bước khởi đầu thì những khó khăn, trở ngại là điều khó tránh khỏi. Một đêm nọ, chúng tôi nhận được một lời nhắn đặt 4 phần thức ăn từ khách lạ trên mạng xã hội, yêu cầu giao đến tận Thủ Đức. Khi đến nơi, chúng tôi gọi vào số điện thoại lúc nãy đặt hàng thì nhận được thông báo khóa máy.
Tôi kiên trì chạy xe vào con hẻm theo địa chỉ đã được cung cấp, nhưng tìm mãi vẫn không ra. Nhìn lại đồng hồ thì đúng 2h sáng, ngó sang những phần thức ăn trên tay, lòng cảm thấy buồn bã, tôi cố gắng chạy tới lui 2-3 vòng nữa với hy vọng tìm được địa chỉ nhưng bất thành.
Đang cảm thấy thất vọng thì đột nhiên tôi bị công an địa phương đang đi tuần tra yêu cầu kiểm tra hành chính, và do không mang giấy tờ nên họ mời về trụ sở làm việc vì bị nghi ngờ là trộm. Sau đó, tôi trình bày mọi việc trong sự ấm ức tủi thân khi phải đi sớm, về khuya để giao mấy phần cơm kiếm thu nhập mưu sinh trong khi giờ này người khác đã chăn ấm đệm êm. Sau một hồi trình bày, tôi được cho về nhưng trên suốt đường đi, một cảm giác chán nản ùa về. Không chỉ tiếc cho công sức mấy tiếng đồng hồ lang thang ngoài đường, tốn tiền xăng, giờ lại không biết giải quyết sao với 4 phần thức ăn trên tay bởi không giao hàng được coi như bị lỗ vốn.
Sự thất vọng chưa kịp nguôi thì tối đêm sau, tôi lại nhận được một đơn hàng của khách đặt chỉ vỏn vẹn một ổ bánh mì mà giao tận nhà ở quận 7, trong khi tôi đang ở Tân Bình. Vì muốn giữ chữ tín, tôi đã cố gắng chạy đi giao hàng, và tính ra là lỗ tiền xăng. Lúc này, tôi thật sự thấy hoang mang, tự hỏi bản thân liệu hướng đi này là đúng hay sai? Tôi có nên tiếp tục hay dừng lại?
Đang lúc cảm thấy hụt hẫng nhất, tôi lại nhận được đơn đặt hàng của vị khách hôm qua. Nhưng lần này thì khác, không chỉ vị khách đó, mà còn rất nhiều bạn bè và người thân của cô ta cùng đặt nên đơn hàng khá lớn, lên đến hàng triệu đồng. Sau khi trừ các chi phí liên quan, đêm đó chúng tôi lời gần 900.000 đồng - một số tiền như trong mơ.
Sau thời gian dài kiên nhẫn với dịch vụ này, chúng tôi đã được khách hàng là bạn bè trên mạng xã hội lan truyền, chia sẻ cho nhau về thông tin dịch vụ. Nhờ đó, những đơn đặt hàng ngày một tăng cao. Hai người chúng tôi không thể đảm nhận hết phải tuyển thêm người. Để tăng thêm uy tín, chúng tôi quyết định đặt tên cho dịch vụ là Đua - hàm ý là đua tốc độ để giao hàng cho khách nhanh nhất. Nhưng sau đó, nghĩ lại thấy một chữ như vậy thì chưa đủ, tôi quyết định lấy tên lót mà đứa em hay gọi là anh ba để đặt tên dịch vụ đầy đủ là Anh Ba Đua.
Sau hai năm cố gắng, tức vào năm 2014, lượng khách tăng nhanh, nhân lực cũng đông thêm, chúng tôi quyết định dồn tất cả vốn kiếm được là 500 triệu đồng để mở một nhà hàng thức ăn nhanh đóng ở địa bàn quận 10, TP HCM. Tuy nhiên, do cả hai còn quá non kinh nghiệm nên chỉ trong vòng 8 tháng sau đó, nhà hàng phải đóng cửa vì thua lỗ, đồng nghĩa với việc mất đi số vốn 500 triệu đồng dành dụm mấy năm qua.
Quá buồn bã, cả hai đứa chúng tôi mạnh ai trở về với cuộc sống làm thuê như trước kia. Sau 6 tháng rút khỏi thương trường, tưởng chừng như chúng tôi đã lụi tàn tất cả những ước mơ khởi nghiệp. Nhưng rồi một ngày nọ, chúng tôi gặp lại nhau và sau những trò chuyện, sự nhiệt huyết lại bừng lên. Cả hai đưa ra quyết định táo bạo hơn là tập hợp một đội ngũ mới, tạo dựng một văn phòng mới để khởi nghiệp lại với só vốn góp 200 triệu đồng (tiền dành dụm sau thời gian đi làm, có cả vay mượn...). Chúng tôi quyết định chỉ chuyên về vận chuyển nhanh các loại thức ăn và không ngừng đưa ra những ý tưởng kinh doanh mới mẻ với phương châm "sự khác biệt tạo nên đẳng cấp".
Và trong 5-6 tháng đầu, văn phòng công ty hoạt động gần như 24/7 về mảng thức ăn giao hàng tận nơi với nhiều món hấp dẫn, đủ các loại từ cơm, bún, phở... đến những món ăn lạ miệng được chúng tôi dày công tìm kiếm. Nhờ chọn những địa điểm thức ăn uy tín, an toàn vệ sinh thực phẩm, cộng với việc giao hàng tận tuỵ, siêng năng, dịch vụ giao thức ăn của chúng tôi lại một lần nữa thu hút được khách hàng.
Ngoài ra, để làm phong phú thêm dịch vụ, chúng tôi tổ chức các loại hình "xếp hàng thuê" để lấy phiếu khám bệnh cho những người có nhu cầu nhưng quá bận rộn... Hoặc là dịch vụ giao quà tặng như hoa, dầu thơm, bánh kem, tiền và những món hàng hiệu đắt tiền đến tận tay người nhận...
Sau những tháng ngày gian truân, vất vả, hiện nay dịch vụ của chúng tôi đã tạm đi vào guồng ổn định, doanh thu dao động khoảng 220-300 triệu đồng mỗi tháng, trừ tất cả chi phí còn lời khoảng 60 triệu đồng.
Mục tiêu sắp tới của công ty là muốn nhắm vào các tòa nhà chung cư cao cấp, cao ốc văn phòng, cơ quan công quyền, bệnh viện, trường học... để đem dịch vụ tiện ích này đến tay khách hàng. Và thông điệp mà chúng tôi luôn muốn tạo ra ngay cả trong tiềm thức người Sài Gòn là "khi đói bụng mà ngại ra đường thì hãy nghĩ ngay đến dịch vụ giao thức ăn tận nhà của chúng tôi".
Long Phạm