Năm 2017, lĩnh vực kinh tế Internet của Đông Nam Á đạt giá trị 50 tỷ USD và vượt 35% so với kỳ vọng ban đầu. Một khảo sát của Google chỉ ra rằng, mỗi tháng, trong khu vực này, có khoảng 3,8 triệu người dùng mới trong lĩnh vực thương mại điện tử. Đông Nam Á cũng đang trở thành thị trường thương mại trực tuyến phát triển nhanh nhất thế giới trong khoảng từ năm 2015 đến 2020.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, khu vực Đông Nam Á với hơn 660 triệu dân sở hữu nhiều tiềm năng phát triển thương mại điện tử như: cộng đồng dân số trẻ với thu nhập bình quân đầu người sẽ sớm vượt qua mức 3.000USD/ năm, có sẵn hệ thống thanh toán hiện đại nhưng thiếu một thị trường bán lẻ trực tuyến có tổ chức...Những yếu tố này nếu được phát huy sẽ góp phần thúc đẩy nền kinh tế Internet trong khu vực đạt mức 200 tỷ USD vào năm 2025.
Mới đây, công ty tư vấn tài chính iPrice thực hiện nghiên cứu về tiềm năng phát triển thương mại điện tử tại 6 quốc gia trong khu vực là Singapore, Malaysia, Indonesia, Philippines, Việt Nam và Thái Lan. Những số liệu thống kê chỉ ra các đặc điểm chuyên biệt về môi trường kinh doanh, từ đó các công ty khởi nghiệp có thể hoạch định chiến lược phát triển dịch vụ thương mại điện tử hiệu quả hơn.
1. Đông Nam Á là nền kinh tế sử dụng di động
Một người dân Đông Nam Á dành trung bình 3,6 tiếng mỗi ngày để sử dụng điện thoại. Đây là tần suất cao nhất so với các khu vực khác trên thế giới.
Tại 6 thành phố lớn trong khu vực (thuộc Singapore, Malaysia, Indonesia, Philippines, Việt Nam và Thái Lan), truy cập website thương mại điện tử qua các thiết bị di động đạt tốc độ tăng trưởng trung bình 19% và chiếm 72% trong tỷ lệ truy cập vào các website bán hàng. Việc truy cập từ màn hình máy tính chỉ chiếm 30% đã cho thấy tầm quan trọng của việc phát triển nền tảng thương mại điện tử qua ứng dụng di động đối với các đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực này.
2. Người dân dành nhiều thời gian mua sắm trực tuyến
Trung bình một người Đông Nam Á dành khoảng 140 phút mỗi tháng để mua sắm online, gấp đôi so với Mỹ. Người dùng thường thích mua sắm trong giờ làm việc. Số lượng đơn đặt hàng tăng mạnh nhất vào thời điểm từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều khi phần lớn mọi người đang ở trường hoặc đi làm. Trường hợp khác biệt duy nhất là ở Singapore, giờ mua sắm qua mạng cao điểm ở nước này là 10 giờ tối.
Người dân thường mua sắm vào các ngày trong tuần nhiều hơn cuối tuần. Tuy nhiên, lượng truy cập bằng điện thoại vào các trang mua sắm lại tăng hơn vào cuối tuần. Giới phân tích cho rằng người tiêu dùng thường có xu hướng xem trước các sản phẩm yêu thích vào cuối tuần và đặt hàng trong ngày làm việc.
3. Khởi nghiệp thương mại điện tử thu hút sự quan tâm lớn
Theo thống kê của Google, số tiền đầu tư cho các đơn vị khởi nghiệp thương mại điện tử tại Đông Nam Á ngang bằng Ấn Độ.
Trong năm 2016, các startup lĩnh vực này gọi vốn thành công 2,52 tỷ USD. Con số này tăng gấp 3, đạt 7,86 tỷ USD vào năm 2017. Đây là mức tăng cao nhất kể từ năm 2013 cho dù số lượng các thương vụ gọi vốn thành công giảm từ 335 xuống còn 320.
4. Sự trưởng thành của thị trường không đi liền với tỷ lệ chuyển đổi
Trong số những thước đo thành công của các công ty thương mại điện tử, tỷ lệ chuyển đổi là yếu tố quan trọng nhất. Đây là chỉ số đo việc những khách hàng tiềm năng trở thành khách hàng thật sự khi họ mua một món hàng hay dịch vụ.
Con số này phản ánh hiệu quả các hoạt động Marketing của công ty cũng như website mua sắm. Nâng cao được tỷ lệ chuyển đổi đồng nghĩa công ty hoạt động hiệu quả, có doanh thu lớn. Một thực tế trong khu vực Đông Nam Á là các doanh nghiệp Việt Nam đang dẫn dầu về tỷ lệ chuyển đổi với 30%, cao hơn Indonesia và Singapore.
5. Sức mua phản ánh thu nhập bình quân đầu người
Giá trị đơn hàng là một thước đo quan trọng, tác động đến lợi nhuận kinh tế của doanh nghiệp. Theo điều tra của iPrice, giá trị đơn hàng của người tiêu dùng trong khu vực thể hiện rất rõ cách biệt thu nhập bình quân đầu người.
Trong số 6 nước được khảo sát của iPrice, Singapore là nước có thu nhập bình quân đầu người cao nhất (90.530 USD), và Việt Nam là nước thấp nhất (6.880 USD). Giá trị trung bình đơn hàng của người tiêu dùng của Singapore là 91 USD/ đơn, cao gấp 3,7 lần Việt Nam với 23 USD/đơn.
6. Các giải pháp thanh toán đa dạng
Tỷ lệ sử dụng thẻ tín dụng của người tiêu dùng Đông Nam Á khá thấp (ngoài trừ Singapore). Điều này khiến các công ty thương mại điện tử trong khu vực phải đối mặt với những thách thức rất khác biệt so với phương Tây.
Hệ quả của việc thiếu hụt hạ tầng tín dụng dẫn đến sự ra đời của một loại các giải pháp thanh toán đa dạng được phát triển trong khu vực như: nhận tiền khi mua hàng, chuyển khoản ngân hàng, thanh toán trả góp…
Thống kê của iPrice cho thấy, người dân Singapore và Malaysia chuộng thanh toán qua thẻ tín dụng với 100% doanh nghiệp tại hai quốc gia này cung cấp dịch vụ này. Việt Nam, Philippines, Thái Lan và Indonesia lại trái ngược hoàn toàn với việc chuyển khoản ngân hàng và thanh toán khi nhận hàng là hai hình thức chiếm tỷ lệ cao.
Mặc dù có nhiều khó khăn và thách thức, tương lai để phát triển thương mại điện tử vẫn rất tươi sáng cho các doanh nghiệp trong khu vực, đặc biệt là khi có sự hỗ trợ từ chính phủ và các tổ chức giáo dục. Các doanh nghiệp cũng đã mở rộng mối quan hệ đối tác trong khu vực để được tư vấn về thị trường địa phương. Gần đây nhất, Lazada đã hợp tác với Ninja Van của Singapore và Go-Jek của Indonesia để mở rộng thị trường sang quốc gia lân cận
Vi Vũ (Theo TechinAsia)