Masayoshi Son sáng lập Softbank năm 1981 với khởi đầu là một công ty phần mềm PC. Giờ đây thương hiệu này đang vận hành hãng phân phối điện thoại lớn tại Nhật và sở hữu công ty viễn thông Sprint có trụ sở ở Mỹ. Những năm qua, cái tên này thường xuất hiện khắp các mặt báo khi đứng sau các startup nổi tiếng thế giới.
Quỹ Tầm nhìn của Softbank thành lập vào năm ngoái hiện là quỹ đầu tư công nghệ lớn nhất thế giới. Các thương vụ đầu tư của họ đa phần khởi điểm với 100 triệu USD, có các tên nổi tiếng như Uber, Wework, ứng dụng làm việc nhóm Slack, công ty cho vay online Sofi, startup giao thức ăn DoorDash, startup thương mại điện tử Brandless, startup nông nghiệp Plenty và startup làm pizza từ robot Zume.
Masayoshi Son năm nay 61 tuổi. Năm 16 tuổi, ông sang Mỹ học kinh tế tại Đại học California ở Berkeley rồi sau đó trở về Nhật xây dựng đế chế của riêng mình.
"Tôi nghĩ đến 40 ý tưởng kinh doanh mà mình có thể bắt đầu. Nó giống như việc động não cho một phát minh", Son kể với Harvard Business Review năm 1992. Sau đó ông có khoảng 25 phương pháp thành công để lựa chọn nhằm quyết định nên thực hiện ý tưởng nào.
"Một phương pháp thành công là tôi nên yêu thích một việc kinh doanh đặc biệt nào đấy trong ít nhất 50 năm. Mọi người thường chỉ hào hứng trong vài năm đầu và sau đó, khi nhìn thấy thực tế, họ bắt đầu chán nản. Tôi muốn chọn thứ sẽ khiến mình mỗi ngày đều hào hứng dù thời gian có trôi đi bao lâu chăng nữa", ông nói.
Son cũng nhanh chóng có được sự thấu hiểu thị trường, gây dựng doanh nghiệp có lãi và đặt cược vào những công ty công nghệ non trẻ mới nổi, trong đó có Alibaba và Yahoo. Vào năm 2000, ông trở thành một trong những người giàu nhất thế giới cho đến khi cuộc khủng hoảng dot-com diễn ra, khiến Softbank mất 93% giá trị thị trường và 70 tỷ USD tài sản cá nhân của Son, theo Bloomberg.
Tuy nhiên, sau đó Son đã đứng dậy, một phần đến từ thương vụ mua Vodafone Nhật năm 2006 và đưa công ty này trở thành nhà phân phối iPhone độc quyền tại xứ sở mặt trời mọc. Hiện Softbank lên kế hoạch đưa hãng viễn thông lên sàn trong lần IPO trị giá 21 tỷ USD và kỳ vọng trở thành đợt chào bán lớn nhất từ trước đến nay tại quốc gia này.
Softbank còn nắm giữ cổ phần lớn tại công ty viễn thông Sprint (Mỹ) và đầu tư vào nhà sản xuất chip Nvidia, công ty chia sẻ chuyến đi Didi Chuxing của Trung Quốc, Uber (hiện là nhà đầu tư chiếm cổ phần lớn nhất). Trong tháng 11, Softbank công bố đầu tư 3 tỷ USD vào công ty chia sẻ không gian làm việc WeWork, đẩy giá trị công ty có trụ sở ở New York lên 45 tỷ USD. Theo Wall Street Journal, Softbank đầu tư vào công ty này bất chấp doanh thu sụt giảm trong 9 tháng đầu năm nay. Ngoài ra, quỹ đầu tư cũng tiếp tục mở rộng tầm phủ sóng với các thương vụ mới, gần nhất là rót 2 tỷ USD vào startup thương mại điện tử Coupang của Hàn Quốc.
Hành vi đầu tư của Softbank tạo ra những ảnh hưởng gợn sóng với các công ty mà họ đầu tư. Những hãng đầu tư khác như Sequoia Capital đang bắt đầu huy động số tiền lớn hơn cho các công ty trong danh sách đầu tư của mình. Trong khi đó, công ty VC nổi tiếng Kleiner Perkins Caufield & Byers đã tách ra vào tháng 9 vì đối tác của họ không đồng ý liệu có nên tập trung vào những khoản đầu tư nhỏ ở giai đoạn đầu hay cạnh tranh với các quỹ lắm tiền cho những startup đã phát triển mạnh.
Báo cáo vào tháng 10 của hãng dữ liệu Pitchbook và Hiệp hội đầu tư mạo hiểm quốc gia Mỹ xác nhận ảnh hưởng của Softbank với hệ sinh thái tại thung lũng Silicon. Ước đoán, các quỹ đầu tư rót hơn 100 tỷ USD tại đây cho đến hết năm 2018. Con số sẽ vượt qua mức đầu tư kỷ lục năm 2017 với 84 tỷ USD. Kết quả này được đánh giá có dấn ấn từ Son và những thương vụ cực lớn từ Softbank.
"Một số quỹ đầu tư truyền thống đã huy động số vốn lớn hơn để cạnh tranh với các vòng gọi vốn khủng với Softbank, xem số vốn khổng lồ là một lợi thế cạnh tranh và cơ hội để đầu tư vào những công ty tốt nhất", báo cáo chỉ ra.
Trương Sanh (theo Inc)